Lịch sử Xã_hội_học

Bắt đầu từ thế kỷ XVIII, đời sống xã hội ở các nước châu Âu trở nên hết sức phức tạp. Cuộc cách mạng công nghiệp 1750 đã đưa đến những đảo lộn ghê gớm. Chủ nghĩa tư bản đã tạo ra những đô thị công nghiệp khổng lồ gây nên những làn sóng chuyển dịch dân cư lớn, kèm theo đó là những mâu thuẫn giai cấp, mâu thuẫn dân tộc, mâu thuẫn tôn giáo căng thẳng, các quan hệ xã hội ngày càng thêm đa dạng và phức tạp. Xã hội rơi vào trạng thái biến động không ngừng: chiến tranh, khủng hoảng kinh tế, xung đột chính trị, suy thoái đạo đức, phân hoá giàu nghèo, bùng nổ dân số, các thiết chế cổ truyền tan rã hàng loạt... Những biến đổi chính trị, xã hội ở châu Âu đã đặt ra câu hỏi lý luận cơ bản của xã hội học. Đó là vấn đề làm thế nào phát hiện và sử dụng các quy luật tổ chức xã hội để góp phần tạo ra trật tự và tiến bộ xã hội. Các nhà triết học, các nhà khoa học xã hội thế kỷ XVIII và thế kỷ XIX khát khao nghiên cứu các hiện tượng, quá trình xã hội để phát hiện ra các quy luật tự nhiên của tổ chức xã hội, đặc biệt là "các quy luật của sự phát triển, tiến bộ xã hội". Trước tình hình như thế, xã hội nảy sinh một yêu cầu cấp thiết là cần phải có một ngành khoa học nào đó đóng vai trò tương tự như một bác sĩ luôn luôn theo dõi cơ thể sống - xã hội tiến tới giải phẫu các mặt, các lĩnh vực khác nhau trên bề mặt cắt của nó từ tầm vĩ mô đến vi mô, kể cả khi xã hội đó thăng bằng cũng như khi mất thăng bằng để chỉ ra trạng thái thật của xã hội đó, phát hiện ra những vấn đề xã hội (social problems), dự báo khuynh hướng phát triển của xã hội, và chỉ ra những giải pháp có tính khả thi.

Tại Châu Âu xuất hiện các cuộc cách mạng chính trị làm thay đổi sâu sắc xã hội và có ảnh hưởng lên toàn thế giới. Cuộc đại cách mạng Pháp năm 1789, làm biến đổi chính trị, xã hội quan trọng góp phần làm thay đổi căn bản thể chế chính trị, trật tự xã hội và các thiết chế xã hội châu Âu thế kỷ XVIII. Cuộc cách mạng này đã không chỉ mở đầu cho thời kỳ tan rã chế độ phong kiến, nhà nước quân chủ mà còn thay thế trật tự cũ đó bằng một trật tự chính trị xã hội mới là nhà nước tư sản. Công xã Paris năm 1871 - mâu thuẫn sâu sắc về lợi ích giữa các tầng lớp xã hội và nhất là giữa giai cấp công nhân và giai cấp tư sản đã lên đến đỉnh điểm làm bùng nổ cuộc cách mạng vô sản đầu tiên trên thế giới vào cuối thế kỷ XIX; và sau này là cuộc cách mạng tháng Mười Nga năm 1917.

Tiền đề lý luận và phương pháp luận làm nảy sinh xã hội học bắt nguồn từ những tư tưởng khoa học và văn hóa thời đại Phục Hưng thế kỷ XVIII (thời kỳ Khai sáng). Sự phát triển mạnh mẽ của khoa học và đặc biệt là phương pháp luận nghiên cứu khoa học cũng là nhân tố quan trọng cho sự ra đời xã hội học. Các cuộc cách mạng khoa học diễn ra ở thế kỷ XVI, XVII và đặc biệt là thế kỷ XVIII đã làm thay đổi căn bản thế giới quan và phương pháp luận khoa học. Các cuộc cách mạng thương mại và công nghệ cuối thế kỷ XVIII đã làm lay chuyển tận gốc trật tự kinh tế cũ tồn tại và phát triển hàng trăm năm trước đó. Hình thái kinh tế xã hội phong kiến bị sụp đổ từng mảng lớn trước sự bành trướng của thương mại và công nghiệp. Sự tác động của tự do hóa thương mại, tự do hóa sản xuất và đặc biệt là tự do hóa lao động; hệ thống tổ chức quản lý kinh tế theo kiểu truyền thống đã bị thay thế bằng cách tổ chức xã hội hiện đại. Do vậy, thị trường đã được mở rộng, hàng loạt nhà máy, xưởng và tập đoàn kinh tế đã ra đời thu hút nhiều lao động từ nông thôn ra thành thị làm thuê. Của cải, đất đai, tư bản không còn tập trung trong tay tầng lớp phong kiến mà rơi vào tay giai cấp tư sản. Sự xuất hiện và phát triển hệ thống kinh tế tư bản chủ nghĩa đã phá vỡ trật tự xã hội phong kiến gây những xáo trộn và biến đổi trong đời sống kinh tế xã hội của các tầng lớp, giai cấp và các nhóm xã hội. Từ đó nảy sinh nhu cầu thực tiễn phải lập lại trật tự, ổn định xã hội và nhu cầu nhận thức để giải quyết những vấn đề mới mẻ nảy sinh từ cuộc sống đang biến động đó. Trong bối cảnh đó, Xã hội học đã ra đời để đáp ứng nhu cầu nhận thức các biến đổi xã hội và lập lại trật tự xã hội.

Sau khi ra đời, xã hội học đã phát triển rực rỡ và có được những bước tiến dài trong việc xây dựng nền tảng cũng như các phân ngành xã hội học ở các nước công nghiệp phát triển. Có thể nói những thành tựu to lớn mà các nước công nghiệp phát triển đạt được là có sự đóng góp đáng kể của ngành khoa học xã hội học. Ngày nay, xã hội học đã có mặt ở hầu khắp các nước trên thế giới và chiếm một vị trí xứng đáng trong hệ thống lý thuyết cũng như ứng dụng. Nó được coi là môn khoa học phát triển. Rất nhiều trường phái xã hội học hiện đai nổi tiếng có ảnh hưởng lớn trên thế giới. Chẳng hạn như trường phái lý thuyết hệ thống của Talcott Parsons (Đại học Harvard), trường phái xã hội học đô thị (Đại học Chicago), trường phái xã hội học tội phạm (Đại học Michigan), trường phái lý thuyết tương tác biểu tượng (Đại học Chicago),...